Cách phân biệt bông khoáng và bông thủy tinh

Phân biệt bông khoáng bông thủy tinh là một việc không phải ai cũng biết bởi chúng đều là vật liệu cách âm và cách nhiệt hiệu quả, có nhiều điểm chung về nguồn gốc, quy trình sản xuất và đặc tính nổi bật. Chúng ta cùng tìm hiểu về cách phân biệt bông khoáng và bông thủy tinh nhé!

Đặc điểm chung của bông khoáng và bông thủy tinh

  • Bông khoáng rockwool (len đá) và bông thủy tinh Glasswool đều có nguồn gốc từ khoáng sản tự nhiên. Quá trình sản xuất khá giống nhau, các nguyên liệu được nung chảy ở nhiệt độ cao, sau đó sử dụng lực ly tâm để tạo thành sợi, ép khuôn rồi đóng gói thành phẩm.
  • Có khả năng cách nhiệt cao, hệ số dẫn nhiệt thấp giúp chống nóng, tiết kiệm năng lượng.
  • Có tác dụng chống cháy hiệu quả, không bén lửa, cháy lan và không sinh khói độc. Bông khoáng có thể chịu nhiệt tới 850­oC còn bông thủy tinh cách nhiệt chịu được nhiệt độ tới 350oC.
  • Cách âm, chống ồn vượt trội: Với kết cấu gồm các túi khí ở giữa các liên kết sợi bông tạo nên khả năng cách âm tốt cho 2 loại vật liệu này.
  • Có độ bền và tuổi thọ cao, không bị ăn mòn bởi hóa chất.
  • Thân thiện với môi trường và an toàn cho người thi công, sử dụng: bông cách nhiệt được tạo ra từ các vật liệu nguồn gốc tự nhiên, không chứa chất độc hại nên rất an toàn và thân thiện cho môi trường, có thể tái chế và tự phân hủy trong môi trường.
Bong khoang va bong thuy tinh 1
Bông khoáng và bông thủy tinh đều có nguồn gốc tự nhiên, quá trình sản xuất đều khá giống nhau

Cùng bắt đầu với tên gọi là bông, là vật liệu tự nhiên, có những tính năng tương tự nhau, vậy làm thế nào để nhận biết bông khoáng và bông thủy tinh, chúng ta có thể dựa vào 2 phương pháp dưới đây :

Phương pháp nhận biết bằng mắt thường

Dựa vào bề ngoài và cảm quan để phân biệt được sự khác nhau của bông khoáng và bông thủy tinh thông qua.

Màu sắc

Đây chính là yếu tố đơn giản nhất để phân biệt 2 loại sợi bông cách nhiệt. Bông khoáng có màu sắc trầm: vàng nâu, vàng nhạt hoặc xanh xám; Bông thủy tinh có màu vàng tươi đặc trưng: vàng sáng hoặc vàng đậm.

Bong khoang Rockwool 2
Bông khoáng có màu nâu, vàng nhạt hoặc màu xám
Bong thuy tinh 3 3
Bông thủy tinh có màu vàng đặc trưng tươi sáng

Tỉ trọng (số đơn vị cân nặng kg trên mỗi đơn vị thể tích m³)

Bông khoáng rockwool có tỉ trọng: 40 – 50 – 60 – 80 – 100 – 120kg/m³.

Bông thủy tinh glasswool có tỉ trọng thấp hơn: 12 – 16 – 24 – 32 – 48kg/m³.

Kích thước

Bông thủy tinh thường được sản xuất dưới dạng cuộn, ngoài ra còn có dạng ống và dạng tấm. Kích thước: chiều rộng 1200mm, chiều dài từ 7500mm – 30000mm tùy độ dày và tỷ trọng. Độ dày: 25 – 50mm.

Bông khoáng có tỉ trọng lớn do vậy thường được sản xuất với kích thước nhỏ để thuận tiện cho việc vận chuyển, thi công. Kích thước: 1200 x 600mm, 1200mm x 5000mm, 600mm x 5000mm với độ dày thường là 50mm.

Phương pháp nhận biết thông qua cấu tạo, đặc điểm của vật liệu

Thành phần cấu tạo:

Bông khoáng: là vật liệu được tạo ra từ 2 loại quặng đá là Dolomit và Bazan bằng cách nung nóng chảy than đá ở nhiệt độ cao lên đến 1600ºC, sau đó dùng lực ly tâm se thành những sợi bông nhỏ, mịn rồi ép thành tấm, ống hoặc cuộn.

Bông thủy tinh: được tạo ra từ cát và xỉ kính, qua quá trình nung nóng chảy ở nhiệt độ trên 1400oC và cũng dùng lực quay ly tâm tạo ra sợi thủy tinh tổng hợp. Thành phần chủ yếu của sản phẩm chứa Aluminum, Siliccat canxi, Oxit kim loại… không chứa Amiang. Bông thủy tinh có thể được tạo ra ở dạng cuộn hoặc dạng tấm, ống.

Kết cấu:

Bông thủy tinh cách nhiệt gồm các sợi bông nhỏ, ngắn, mật độ sợi không cao tạo ra các liên kết giữa các sợi không được chặt chẽ nên dễ hình thành các bụi lông. Khi chịu tác động lâu dài, sản phẩm dễ bị xẹp và mất đi độ dày ban đầu.

Bông khoáng ngược lại, được kết cấu bởi các sợi bông dài tạo sự liên kết chặt chẽ với nhau nên không dễ bị phát tán các sợi bông trong không khí và hình thành nên khối bông chắc chắn, ấn tay vào có độ lún nhưng rất chắc tay và giữ được độ dày tốt sau thời gian dài sử dụng.

Ứng dụng của bông khoáng và bông thủy tinh

Do có sự tương đồng về đặc điểm và những tính năng vượt trội so với những vật liệu cách nhiệt và cách âm khác mà bông khoáng Rockwool và bông thủy tinh Glasswool đều được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp như:

+ Dùng chống nóng cho nhà ở, kho xưởng, chuồng trại chăn nuôi…

+ Cách nhiệt cho hệ thống lạnh: điều hòa không khí, hệ thống thông gió, bảo ôn các đường ống dẫn gió, cách nhiệt kho lạnh…

+ Cách âm – cách nhiệt cho phòng hát Karaoke, phòng thu, phòng hội nghị, bọc lót cách âm cho trần và vách thạch cao…

Một số lưu ý khi thi công bông khoáng và bông thủy tinh

Do sợi bông khá cứng và mảnh dễ đâm vào da khi tiếp xúc trực tiếp gây ngứa và kích ứng da. Vì vậy, cần một số lưu ý trong quá trình thi công để hạn chế tình trạng này:

+ Mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay chuyên dụng và sử dụng kính, khẩu trang hoặc mặt nạ phòng bụi.

+ Sắp xếp khu vực khi công gọn gàng, đảm bảo việc thi công lắp đặt được thuận tiện và nhanh chóng.

+ Sau khi thi công, cần dọn sạch bụi bông khoáng bằng máy hút bụi thay vì dùng chổi do chổi không làm sạch được vụn và bụi mịn bông khoáng.

+ Thay ngay đồ bảo hộ và giặt sạch sẽ tránh bụi bay ra phòng và tiếp xúc với người khác.

+ Nếu không may, bạn bị kích ứng bởi bụi bông khoáng hoặc bông thủy tinh, hãy rửa sạch tay chân bằng nước lạnh sạch hoặc dùng băng keo, băng dính, nhíp lấy các sợi bông ghim trên da ra và tuyệt đối không chà xát vào vùng da bị kích ứng đó.

Với những đặc điểm, tính năng vượt trội tương tự nhau và cùng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống nên nhiều người thường hiểu nhầm và đánh đồng 2 loại bông này làm một.

Như vậy chúng tôi đã giúp các bạn phân biệt được từng loại riêng một cách đơn giản để từ đó có những lựa chọn phù hợp nhất đối với vật liệu cách nhiệt cho công trình của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *